|
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Internet) |
Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khi trả lời phóng viên Báo Đầu tư đã không nói nhiều tới chuyện kinh doanh xăng dầu đang bị lỗ nặng. “Chuyện doanh nghiệp (DN) xăng dầu bị lỗ là hiển nhiên, do tác động kép từ việc giá xăng dầu thế giới tăng và điều chỉnh tỷ giá. Chuyện này chúng tôi đã nói tới nhiều. Vấn đề chúng tôi lo ngại hiện nay chính là đảm bảo nguồn hàng để không bị đứt nguồn cung xăng dầu cho cả nước”, ông Dũng nói.
Theo lãnh đạo Petrolimex, áp lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu đang đè nặng lên vai các DN xăng dầu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các DN đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn ngoại tệ từ các ngân hàng.
“Thủ tướng đã có chỉ đạo và các ngân hàng cũng đã rất quan tâm tới Petrolimex trong việc thu xếp ngoại tệ. Các ngân hàng mà chúng tôi tiếp xúc đều đã làm hết khả năng, nhưng lượng ngoại tệ bán cho DN không được nhiều như yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Dũng nêu vấn đề mà DN xăng dầu đang phải đối mặt.
Mỗi năm, Petrolimex cần khoảng 6 tỷ USD để nhập xăng dầu, bình quân mỗi tháng cần lượng ngoại tệ tương đương 500 triệu USD. Theo đánh giá của Petrolimex, để cung cấp lượng ngoại tệ này, các ngân hàng cũng khó khăn không kém. Ngay cả phương án vay ngoại tệ của ngân hàng đang khiến lãnh đạo Petrolimex đau đầu. Theo lý giải của DN này, lượng ngoại tệ mà ngân hàng cho DN xăng dầu vay là có giới hạn và bị khống chế về thời gian trả nợ. “Việc chuẩn bị ngoại tệ trả nợ cho ngân hàng cũng là một câu chuyện vô cùng khó cho DN xăng dầu hiện nay”, ông Dũng bổ sung.
Ông Cao Văn Hân, Giám đốc điều hành Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cũng cho biết, việc mua ngoại tệ của ngân hàng đối với DN này cũng là một vấn đề nan giải. “Bên cạnh khó khăn này, do Trung Quốc đang tăng lượng mua xăng dầu từ Singapore, nên tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang đứng ở mức cao trở nên khó khăn hơn nữa”, ông Hân nói.
Khác với một số lĩnh vực khác, việc nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp phải đảm bảo được hạn mức tối thiểu do Bộ Công thương giao (để đảm bảo nguồn hàng phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng). Cũng phải nói rõ thêm là, trong khi DN xăng dầu lo không đủ ngoại tệ đảm bảo nhập đủ hàng như quy định, thì lượng tiền đồng trong DN không hề thiếu. Rõ ràng, khả năng huy động đủ ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu phục vụ tiêu dùng trong nước không phụ thuộc vào năng lực của DN xăng dầu.
Cần phải nhắc lại rằng, tình trạng một số cây xăng đóng cửa ở một vài địa bàn khác nhau trong thời gian vừa qua (các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh) có thể vì những nguyên nhân khác nhau, nhưng không loại trừ nguyên nhân có một số đầu mối kinh doanh xăng dầu đã không cung ứng đủ hàng ra thị trường như thường lệ. “Đang có sự bất công, khi mà có những nơi và những thời điểm, các cửa hàng của Petrolimex phải bán vượt mức bình thường 30 - 40%. Tình trạng này xuất phát từ việc một số cửa hàng của các đầu mối khác đã không bán đủ lượng hàng. Trong khi đó, chúng tôi chưa thấy có một cuộc kiểm tra, kết luận từ cơ quan chức năng về những sự việc này”, ông Vương Thái Dũng bức xúc.
Các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu khẳng định rằng, việc kinh doanh đang bị lỗ nặng, cộng với mức hoa hồng trả cho các đại lý rất thấp, khiến nhiều đại lý dừng bán hàng. Cộng với lượng hàng của một số đầu mối nhập khẩu về không đủ, một số đầu mối lớn (như Petrolimex) đang phải “cõng” thêm nỗi lo bị đứt nguồn cung.
Tính trung bình trong 30 ngày qua, giá xăng (Singapore) đang ở mức 106 USD/thùng và giá dầu khoảng 114 USD/thùng. Quỹ bình ổn xăng dầu được thông báo đã hết, trong khi thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng, dầu đang ở mức 0% và 2%, nên nếu giá xăng, dầu tiếp tục được giữ nguyên, thì DN sẽ phải chịu áp lực lớn hơn nữa. Khả năng giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh tăng theo quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP là rất dễ xảy ra trong thời gian gần.