Trong kinh doanh, không thể có sự tồn tại phi lý rằng, doanh nghiệp sẵn sàng chịu lỗ để cung cấp hàng hoá cho người tiêu dùng. Chính vì điều đó cho nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề xuất tăng giá, Nhà nước lại thận trọng trong việc điều chỉnh tăng để hạn chế những tác động tiêu cực đối với thị trường và đời sống người dân. Trong khi các nhà quản lý đang cân nhắc tìm biện pháp tốt nhất để ổn định thị trường khi điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu, thì ở ngoài thị trường, những bất ổn đã nảy sinh. Các thông tin tăng giá của cơ quan quản lý đã tác động đến các doanh nghiệp, các đại lý cung ứng hàng hoá, dẫn đến tình trạng găm hàng chờ thời cơ.
Điển hình nhất là tình trạng găm hàng của các cây xăng. Có nhiều cây xăng đóng cửa không bán hoặc tìm cách từ chối khách hàng, bán nhỏ giọt để chờ tăng giá. Điều này thật dễ hiểu, bởi vì mỗi một lít xăng được giữ lại, khi điều chỉnh tăng họ sẽ bán với giá cao hơn thời điểm hiện nay. Biết chắc như vậy thì người kinh doanh sẽ găm hàng, lợi nhuận là trên hết.
Quy luật của thị trường như vậy. Nếu dùng các biện pháp hành chính để ngăn chặn như bắt buộc các cây xăng phải mở cửa, phải bán đúng giá niêm yết, các chủ cây xăng có thể chấp hành nhưng tìm cách đối phó, thậm chí đút lót để được bỏ qua. Không chỉ đối với xăng dầu, nhiều mặt hàng khác đang được các nhà đầu cơ tích trữ để chờ tăng giá, nhất là sau khi có sự điều chỉnh tỉ giá USD.
Trước những áp lực khác nhau về giá vàng, giá USD tăng và các thông tin về giá xăng dầu, giá điện sẽ tăng, thị trường đã có những xáo trộn rõ rệt. Người dân vừa chuẩn bị tâm lý để đón nhận đợt sóng tăng giá mới, vừa đang chịu đựng những mánh khóe buôn bán của giới đầu cơ găm hàng. Ví dụ như ở nhiều địa phương có tình trạng cây xăng đóng cửa, người dân không được cung cấp xăng dầu từ các cây xăng, hoặc phải mua với giá cao trên trời ở các điểm bán lẻ.
Trước những diễn biến của thị trường, càng thấy rằng cần phải thị trường hoá các mặt hàng thiết yếu, loại bỏ bao cấp về giá. Sự cẩn trọng trong điều chỉnh tăng - và dần dần xoá hẳn bao cấp là cần thiết, nhưng phải nhanh chóng và quyết liệt để minh bạch thị trường. Giá xăng dầu, giá điện tăng giảm theo thực tế và quy luật của thị trường sẽ lành mạnh hoá việc kinh doanh của doanh nghiệp, giảm ngân sách bù lỗ của Nhà nước và là điều kiện để cộng đồng thực hành tiết kiệm. Không quyết liệt thị trường hoá thì còn lúng túng trong quản lý, doanh nghiệp làm ăn mập mờ, người tiêu dùng cũng không hưởng lợi gì nhiều, nhưng Nhà nước lại cứ nặng gánh với ngân sách bao cấp trợ giá.