Bán hàng “nhỏ giọt”
Theo phản ánh của các cộng tác viên và bạn đọc Báo Quân đội nhân dân, từ đầu năm mới Tân Mão đến nay, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra tình trạng các cây xăng kéo hàng rào đóng cửa không bán hàng, hoặc bán hàng theo kiểu “nhỏ giọt”, “găm hàng”, mở cửa hàng muộn, đóng cửa hàng sớm. Nhiều khách hàng bức xúc trước việc bán hàng thất thường này. Điển hình là tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam), thành phố Long Xuyên (An Giang), huyện Châu Thành (An Giang), các huyện: Quảng Xương, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân và thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa)…
|
Các cửa hàng bán xăng, dầu thuộc hệ thống Petrolimex vẫn bán hàng bình thường. Ảnh chụp tại Hà Nội chiều 17-2.
|
Tình trạng các cửa hàng đóng cửa hoặc bán xăng, dầu cầm chừng đã đẩy nhiều người vào cảnh điêu đứng vì không có đủ xăng, dầu cho các hoạt động sản xuất. Trong đó, khốn đốn nhất là hàng loạt tàu khai thác thủy sản, đánh bắt cá xa bờ. Điều đáng lo ngại lại là ngay bên cạnh các cây xăng không bán hàng là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã tự ý tăng giá xăng, dầu từ gấp rưỡi đến hai lần so với giá gốc, gây bức xúc trong nhân dân và có nguy cơ mất an toàn cho xã hội.
Ngày hôm qua (17-2), trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Vương Thái Dũng cho biết: Trước những thông tin một số cửa hàng xăng, dầu bán hàng “nhỏ giọt”, Petrolimex đã tổ chức kiểm tra và khẳng định: Tất cả các cửa hàng này phần lớn là của tư nhân, đều không phải là các cửa hàng thuộc hệ thống của Petrolimex. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do nguồn cung khó khăn. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối vì lỗ quá lớn đã hạn chế việc nhập khẩu và cung ứng cho các đại lý dẫn tới việc căng thẳng cung, cầu. Riêng Petrolimex, với vai trò của một doanh nghiệp Nhà nước cam kết: Tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu thuộc hệ thống sẽ vẫn bán hàng thường xuyên, cung ứng đầy đủ lượng hàng ra thị trường.
Sức ép tăng giá là rất lớn
Theo bản tin thị trường xăng, dầu ngày hôm qua (17-2) của Petrolimex, giá dầu thô trên thị trường thế giới nửa đầu tháng 2-2011 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, giá các sản phẩm xăng, dầu tại thị trường Xin-ga-po (thị trường mà Việt Nam nhập khẩu) tăng liên tục. Giá bán lẻ tại một số nước trong khu vực tại thời điểm hiện nay đối với mặt hàng xăng 92R (xăng thông dụng cho ô tô và xe máy), theo thông tin thu thập được và quy đổi về đồng Việt Nam theo tỷ giá ngày 16-2-2011, như sau: Tại Lào: Lao State Fuel Co. đang bán ra 9.870 Kip/lít, tương đương 24.352 đồng/lít. Tại Cam-pu-chia: Công ty SOKIMEX đang bán 4.700 Riels/lít tương đương 23.209 đồng/lít. Tại Xin-ga-po: Công ty SPC đang bán 1,947 S$/lít tương đương 30.609 đồng/lít. Tại Trung Quốc đang bán 7,360 NDT/lít, tương đương 22.447 đồng/lít. Tại Việt Nam đang bán 16.400 đồng/lít, thấp hơn Lào 7.952 đồng/lít, thấp hơn Cam-pu-chia 6.809 đồng/lít, thấp hơn Xin-ga-po 14.209 đồng/lít, thấp hơn Trung Quốc 6.047 đồng/lít.
Theo ông Vương Thái Dũng, chênh lệch giá là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng xuất xăng, dầu trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài. Trên thực tế quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã cạn tiền. Sức ép của việc tăng giá xăng, dầu tại Việt Nam hiện nay là rất lớn. Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước diễn ra trong ngày 15-2 tại Hà Nội, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex đã báo cáo với Thủ tướng: Hiện nay, một tháng Petrolimex lỗ 70 tỷ đồng, cả nước lỗ khoảng 100 tỷ đồng/tháng cho mặt hàng xăng, dầu.
Cũng theo ông Dũng: Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, doanh nghiệp sẽ phải mất thêm cả nghìn tỷ đồng. Trong năm vừa qua, riêng vướng mắc việc mua USD để nhập khẩu xăng, dầu, Petrolimex đã gửi hàng chục văn bản, báo cáo khẩn thiết lên tới các Bộ và tới cả Thủ tướng. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải tạo điều kiện tối đa cân đối ngoại tệ cho doanh nghiệp xăng, dầu. Nhưng trên thực tế, không được như thế!
Sẽ xử lý nghiêm các cửa hàng “găm hàng”, chờ giá lên
Đó là khẳng định của đại diện Bộ Công Thương trong ngày hôm qua (17-2) với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Theo tổng hợp của Bộ Công Thương, trong mấy ngày qua, nhiều địa phương trong cả nước đã mạnh tay xử lý các trường hợp cây xăng đóng cửa hoặc bán hàng theo kiểu “nhỏ giọt”. Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, đồng thời có công điện cho các đội quản lý thị trường trên địa bàn vào cuộc, tiến hành kiểm tra tình hình tại các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu ngưng bán hàng, hoặc bán hàng cầm chừng. Chi cục quản lý thị trường Hà Nam đã có thông báo số 20/QLTT-NVTT, chỉ đạo đôn đốc các đơn vị kiểm tra việc mở cửa hàng bán và bán theo giá niêm yết. Nếu có vi phạm kiên quyết xử lý nghiêm bằng hình thức đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh...
Sở Công thương Cà Mau đã thành lập đường dây nóng kết hợp khuyến cáo, vận động nhân dân phát hiện và tố giác những trường hợp găm hàng như: Giảm giờ bán, hạn chế số lượng bán ra, phao tin hết nhiên liệu, đóng cửa trong thời điểm nhạy cảm để chờ giá xăng, dầu tăng trên thị trường mới tung hàng ra bán.
Mới đây nhất, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã ký quyết định phạt 10.000.000 đồng và tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của cửa hàng xăng, dầu thuộc chi nhánh Công ty cổ phần thiết bị phụ tùng Sài Gòn-xí nghiệp dịch vụ xăng, dầu (ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) do tái vi phạm bán xăng, dầu vào túi ni-lông và can nhựa để những kẻ xấu có thể lợi dụng xuất lậu qua biên giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ngày hôm qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế, cũng giống như điện, thà có hàng mua với giá cao còn hơn là không có hàng. Vì vậy việc tăng giá bán xăng, dầu trong nước là cần thiết và Chính phủ cũng đã đồng ý với chủ trương này. Tuy nhiên thời điểm tăng giá và mức độ tăng như thế nào là vấn đề rất nhạy cảm.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết: Thời gian tới, nếu giá thế giới tiếp tục tăng làm kinh doanh trong nước thua lỗ, chúng ta phải tiếp tục điều hành giá theo quy định tại Nghị định số 84/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu. Đó là tiếp tục điều hành linh hoạt phí, thuế, quỹ bình ổn giá và cả mức giá cụ thể để bảo đảm kinh doanh xăng, dầu thực hiện theo cơ chế thị trường”.