Bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cách đây không đầy 1 năm đã từng nhấn mạnh về những bất cập khi thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo bà Hương, mục đích việc thành lập quỹ bình ổn hoàn toàn đúng nhưng cách vận hành quỹ và quản lý lỏng lẻo sẽ tạo ra những hệ lụy xấu cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Có thể hiểu đơn giản, khi giá xăng dầu thấp người tiêu dùng vẫn phải trả thêm một khoản phí để hình thành quỹ. Trong trường hợp giá tăng cao, số tiền ở quỹ sẽ được trích ra để giữ giá ổn định, bù đắp cho việc giá dầu thế giới tăng, tức là người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ quỹ và Nhà nước cũng giữ bình ổn giá mặt hàng chiến lược này.
Tuy nhiên, trong thời gian qua có một thực trạng là chúng ta không hề biết được số quỹ đó đã được vận hành như thế nào, các doanh nghiệp sử dụng ra sao, thậm chí kể cả khi giá xăng dầu không tăng. Điều đáng nói, việc xả quỹ ra bao nhiêu để bình ổn giá phụ thuộc vào giá dầu thế giới, trong khi các doanh nghiệp xăng dầu lại coi quỹ là nguồn “bù lỗ” cho những thiệt hại khi giá xăng dầu bấp bênh.
Đến nay, những câu hỏi như quỹ được trích lập hằng ngày qua mỗi lít xăng dầu bán ra cụ thể là được bao nhiêu, đã sử dụng bao nhiêu, còn lại bao nhiêu, khi nào hết quỹ... gần như vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kể từ khi lập quỹ đến 30-7-2010 quỹ bình ổn đã trích lập được trên 3.619 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp đã được sử dụng gần 1.050 tỷ đồng vào việc bình ổn giá, hiện còn trên 2.569 tỷ đồng tồn trong tài khoản của các doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng khẳng định, số tiền trong quỹ còn lại đủ đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trong các tháng tới. Do vậy, doanh nghiệp không có lý gì để kêu lỗ khi hàng ngày đã được bù lỗ từ những khoản tiền do dân đóng góp. Rõ ràng, ở đây, đã có sự thiếu minh bạch trong việc sử dụng quỹ bình ổn giá trong thời gian qua. Cho nên khi có lệnh xả quỹ, nhiều doanh nghiệp đã không có tiền để xả, và tiếp tục kêu thua lỗ vì thực tế đã lỗ trong nhiều tháng qua. Vậy số tiền người tiêu dùng đóng góp trước đó đã đi đâu? Có lẽ vì những nguyên nhân tiềm ẩn như vậy mà ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội đã kiến nghị bãi bỏ quỹ bình ổn xăng dầu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, với lý do cung cách quản lý, sử dụng quỹ bình ổn kém hiệu quả, thiếu minh bạch. Thậm chí với cách làm hiện nay là tiền trong quỹ bình ổn để lại ở các doanh nghiệp, sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp khi có thể “điều phối” giá xăng dầu với các đại lý, tạo ra sự bất ổn chính cho thị trường.
Rõ ràng, từ khi ra đời đến nay, đã có nhiều văn bản pháp luật, công văn hướng dẫn liên quan đến việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng tính hiệu quả của quỹ vẫn luôn mơ hồ, lỏng lẻo và luôn có câu hỏi về sự bất minh của nó. Thực tế, không hề quá phức tạp để vận hành một quỹ chuyên ngành như vậy, nhưng ở đây luôn có những khe lách luật pháp mà nhiều cá nhân, tổ chức cứ vin vào đó để chuộc lợi, hậu quả khôn lường để lại cho Nhà nước và chịu thiệt chính là người tiêu dùng.