Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá các mặt hàng là không thể tránh khỏi bởi giá thành của các mặt hàng này đang khá cao. Tuy nhiên việc điều chỉnh có lộ trình, phù hợp với từng thời điểm để có sự đồng thuận trong nhân dân là cực kỳ cần thiết.
|
Giá điện được cho là sẽ tăng 18% từ đầu tháng 3.2011. Ảnh: KỲ ANH |
Vì sao phải tăng giá?
Cho đến thời điểm này, phương án tăng giá điện có thể coi là không tránh khỏi. Trên thực tế, EVN đã từng đề xuất phương án tăng giá lên tới 40,8%. Trong khi đó Bộ Công Thương thẩm định và tính mức giá điện tăng cao nhất bắt kịp theo cơ chế thị trường là khoảng 30,3%. Tuy nhiên, sau khi tính toán tất cả các phương án tác động giá và tác động đến nền kinh tế, xã hội thì cho đến nay, phương án tăng giá nhiều khả năng chỉ ở mức khoảng 18%.
Trong vấn đề này, có ý kiến cho rằng mức tăng như vậy là cao so với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, do điện là năng lượng quan trọng, đầu vào cho các ngành sản xuất kinh doanh tạo nên cơ cấu giá thành của sản phẩm nên ngành điện tăng giá quá cao sẽ khiến nhiều mặt hàng khác tăng theo. Tuy nhiên, các chuyên gia khác cũng cho rằng nền kinh tế VN không thể duy trì tình trạng áp đặt mệnh lệnh hành chính và bao cấp hoặc bao cấp một phần mãi. Vì thế trên cơ sở tính đúng, tính đủ giá thành sản phẩm điện. Trong trường hợp tăng quá cao, vẫn cần bàn tay điều hành giá linh hoạt từ Nhà nước để có mức tăng phù hợp, đảm bảo cho phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhưng cũng là động lực để người dân, DN tiết kiệm, ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Tương tự đối với mặt hàng than và xăng dầu. Theo tính toán của TKV thì mức giá thành hiện nay đang rất thấp, khó bù đắp chi phí cho sản xuất và tái sản xuất. Đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu - đây là mặt hàng VN vẫn phụ thuộc vào nguồn NK. Vì thế khi giá mặt hàng này trên thế giới tăng quá cao thì khả năng kiềm chế, bình ổn giá chỉ có thể nằm trong giới hạn. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì thực tế đến nay, các DN kinh doanh xăng dầu đang lỗ nặng trên dưới 2.000đ/lít. Với thực tế đó, DN gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn cung. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng không thể bù lỗ.
Cần lộ trình và mức tăng phù hợp
Thực tế là rất lâu nay Nhà nước, DN đang gồng mình bao cấp một phần về giá của các mặt hàng. Điểm lợi của chính sách này là đảm bảo sự bình ổn cho đời sống, tránh những tác động bất lợi cục bộ khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điểm bất lợi của cơ chế này là sự phi thị trường, không tuân thủ các quy luật kinh tế của cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, một bộ phận DN lớn, một phận người giàu lại được ưu đãi qua việc sử dụng nhiều nguồn năng lượng.
Chính vì thế theo các chuyên gia kinh tế thì việc điều chỉnh tăng giá là việc cần làm. Thế nhưng tăng như thế nào, mức tăng bao nhiêu để tránh sự tăng giá đồng loạt hoặc mức tăng giá bật tăng quá cao tạo sức ép lớn lên toàn bộ nền kinh tế cũng như người dân. Đồng thuận quan điểm này, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng cần tránh tăng giá đồng loạt các mặt hàng. Bởi nếu làm điều này thì sẽ tác động đến tất cả giá thành đầu vào. Khi đó, nguy cơ hình thành mặt bằng giá mới là khó tránh khỏi. Luật gia Hữu Dung cũng cho rằng đây chính là thời điểm Chính phủ và các chuyên gia kinh tế cần tính toán và đưa ra quyết sách thận trọng. Ví dụ, nếu tăng giá điện thì mặt hàng nào cần giữ giá. Hay nếu tăng giá xăng thì các mặt hàng dầu được bình ổn...
Các chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng cùng với việc điều chỉnh giá, Nhà nước và DN cần tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân về sự minh bạch giá, ý thức tiết kiệm. Bên cạnh đó, Nhà nước và DN cũng cần đi đầu trong việc sử dụng tiết kiệm chi tiêu công ở các nhóm hàng như than, điện, xăng dầu, xử lý nghiêm những vi phạm... Đặc biệt Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ DN trong việc giảm lãi suất, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiết kiệm... Đây chính là chìa khóa để có được sự đồng thuận trong nhân dân.
Sẽ tính tới phương án tăng giá xăng dầu
Ngày 16.2, đại diện Bộ Tài chính cho biết do giá xăng dầu NK đã tăng rất cao, DN kinh doanh mặt hàng này đang lỗ trên dưới 2.000đ/lít xăng dầu; bên cạnh đó quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn... Chính vì thế Bộ Tài chính sẽ phải tính tới phương án tăng giá. Tuy nhiên, mức điều chỉnh sẽ được cân nhắc và cân đối giữa lợi ích DN - NTD và Nhà nước, đồng thời cơ quan quản lý cũng theo sát diễn biến thị trường để có chính sách linh hoạt, phù hợp và có lợi nhất cho kinh tế - xã hội. A.X |