Phí giao thông và câu hỏi về trách nhiệm quản lí
17/02/2011 11:05:00 SATin trong nước

Sau khi phương án thu phí đường bộ qua giá xăng dầu với mức 1.000 đồng/lít của Bộ GTVT vấp phải sự phản ứng của dư luận, mới đây, Bộ GTVT lại tiếp tục “trình làng” phương án thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn từ dư luận.


Hiện nay, cả nước có khoảng 70 trạm thu phí giao thông đường bộ, các phương tiện đã đóng góp phí cầu đường cho các trạm này. Bình quân một chuyến đi và về từ TP.HCM theo QL 1A đến Hà Nội, một xe chở container đóng 3,2 triệu đồng phí giao thông. Bình quân một chuyến đi và về từ bến xe miền Đông đến Hà Nội, xe chở khách trên 30 chỗ phải đóng 974.000 đồng phí giao thông. (Tuổi trẻ ngày 24/6/2009)

Bên cạnh đó, người dân đã đóng góp nhiều khoản thuế để xây dựng ngân sách. Ví dụ mỗi người dân khi mua phương tiện, đăng kí, đăng kiểm phương tiện đã đóng góp nhiều khoản thuế với mức thu lớn cho ngân sách.

Một nghịch lí nữa là mặc dù người dân đã đóng góp nhiều cho ngân sách, nhà nước cũng đã xuất kinh phí lớn để xây dựng, bảo trì hệ thống giao thông, nhưng người dân vẫn chưa được thụ hưởng một hệ thống giao thông an toàn, bền vững.

Tai nạn giao thông đang là nỗi kinh hoàng của xã hội. Thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy: năm 2009, cả nước đã xảy ra 12.492 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.516 người, bị thương 7.914 người.
Năm 2010, cả nước xảy ra gần 15.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 11.000 người, bị thương hơn 10.500 người.

Trung bình mỗi ngày vẫn có 31 người chết do tai nạn giao thông. Là giáo viên, chúng tôi so sánh cứ mỗi ngày, có số người tương đương với một lớp học bị xoá sổ, và mỗi tháng có số người chết do tai nạn giao thông bằng số lượng học sinh của một trường THPT loại lớn.

Một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông là do hệ thống giao thông chưa bảo đảm tính an toàn, bị quá tải, thường xuyên trong tình trạng sửa chữa. Các tuyến đường mới xây thường bị xuống cấp nhanh chóng. Thậm chí có đường vừa làm xong đã hư hỏng nặng.

Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng hệ thống giao thông kém:

- Một là do các xe tải hạng nặng chở quá tải vượt nhiều lần mức cho phép. Các lái xe, doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng cũng thừa nhận, hầu như không có xe tải nào không chở quá tải. Vì phí vận chuyển thấp, “phụ phí” lớn, nếu chở đúng tải trọng thì chỉ có nước lỗ vốn trầm trọng. Có những đoàn xe chở hàng chạy qua khiến mặt đất rung chuyển, những người dân ở hai bên đường cảm thấy như có động đất. Như thế thì cầu đường dù có tốt mấy cũng không thể trụ được.

Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) từ khi đi vào vận hành đã xẩy ra không biết bao nhiêu hiện tượng tiêu cực. Năm 2001, đã có 44 đối tượng bị truy tố về tội danh đưa và nhận hối lộ tại trạm này. Cơ quan chức năng liên tục phát hiện tiêu cực tại trạm. Hối lộ trạm không xong, các lái xe tìm cách đi vòng để tránh, khiến cho các tuyến đường quanh đó bị hư hỏng nặng, nhà nước phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để sữa chữa, lớn hơn rất nhiều so với phí thu được từ trạm. Hiện nay tiêu cực tại trạm này vẫn còn nhức nhối. Một trạm cân ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cũng đã bị xoá sổ vì có quá nhiều tiêu cực. Điều đó cho thấy hiện tượng xe chở quá tải đã đến mức báo động.

- Hai là do chất lượng xây dựng công trình giao thông kém. Một số ý kiến cho rằng thất thoát qua các công trình giao thông mức “trung bình” là 30 %. Con số cụ thể có thể thay đổi, thường là lớn hơn. Công trình giao thông bị rút ruột, tuổi thọ giảm chỉ đem lại lợi nhuận kếch xù cho một số cá nhân, nhưng gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngân sách nhà nước và xã hội.

Một nguyên nhân bao trùm có tính hệ thống là tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức có nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng, bảo vệ các công trình giao thông.  

Tình trạng mãi lộ của CSGT, mặc dù bị lên án, xử lí nhiều nhưng hầu như không thay đổi. Tất cả cứ tự nhiên diễn ra giữa ban ngày, ngay trước mắt hàng trăm, hàng ngàn người đi đường. Lái xe phải chở quá tải để có tiền hối lộ cho CSGT và nộp các khoản phí và thuế, nhà nước lại phải tăng thu để bảo trì đường bộ. Đó là cái vòng luẩn quẩn làm gia tăng tình trạng tiêu cực, và không thể chấm dứt được hiện tượng xe chở quá tải tàn phá cầu, đường bộ.

Tình trạng tham nhũng trong xây dựng cơ bản, trong đó có công trình giao thông, mặc dù ai cũng biết, nhưng hiện vẫn chưa có “thuốc đặc trị”, có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu phương án thu phí bảo trì đường bộ qua xăng được thực thi, mỗi năm sẽ thu được thêm khoảng 6.000 tỉ đồng. Còn phương án thu qua phương tiện đăng kí mới hàng năm cũng thu được khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Đây là những con số lớn, nhưng thực chất là đánh vào túi người nghèo và thu nhập trung bình, làm gia tăng tình trạng lạm phát. Hiện nước ta có hơn 31 triệu mô tô, xe gắn máy, và tốc độ gia tăng khoảng 3 triệu chiếc/năm.

Xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Nếu mỗi xe máy sẽ đóng từ 80.000 - 150.000 đồng/tháng như dự kiến của Bộ GTVT thì sẽ có hàng triệu người dân, vốn không có gì dư giả, lâm vào khó khăn. Và những gia đình có ô tô, trừ một số ít “đại gia”, cũng sẽ phải “kêu trời” về mức đóng từ 180.000 - 1.440.000 đồng/tháng.

Chúng tôi cho rằng thay vì tăng thu phí, nhà nước nên có những biện pháp quyết liệt để chống tiêu cực trong quản lí, xây dựng các công trình giao thông. Việc làm này nếu có hiệu quả sẽ tiết kiệm được một chi phí lớn hơn gấp bội so với số tiền thu được qua khoản phí thu từ bán xăng dầu hay qua đầu phương tiện.

Nếu không có những giải pháp quyết liệt và hữu hiệu, hiện trạng giao thông sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn của lạc hậu, bát nháo, mất an toàn.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent