Dù nghe phong thanh nhiều ngày qua về khả năng Chính phủ sẽ điều chỉnh giá điện từ 1.3, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho mình những phương án...
Tăng giá là việc “cực chẳng đã”
TGĐ một DN dệt may phía bắc cho biết: "Chúng tôi cũng đoán được là giá đầu vào sẽ còn tăng mạnh. Ngay từ trước tết, chúng tôi đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng một số dây chuyền sản xuất, từ đó nâng cao khả năng tiết kiệm điện để giảm giá thành. Đầu tư công nghệ mới là việc nói thì dễ, nhưng không phải DN nào cũng có thể làm ngay được".
Với ngành thép, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSC) lo ngại là còn nhiều nhà máy thép có công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ, tiêu tốn điện năng. Hiện toàn ngành thép chỉ có 4 nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại của các nước G7, đa phần các nhà máy thép đều có công suất trung bình. Chênh lệch về tiêu hao nhiên liệu là rất lớn. Chẳng hạn, ở 4 nhà máy thép có công nghệ hiện đại, chỉ tiêu hao 30kg dầu/tấn thép thành phẩm; ngược lại, các nhà máy thép công nghệ lạc hậu, có khi tiêu hao tới 60-70kg dầu/tấn thép.
Tương tự với điện, một lò luyện hiện đại chỉ tiêu hao 350- 400kWh/tấn thép, nhưng có những nhà máy cũ tiêu hao điện năng lên tới 600kWh/tấn. Theo ông Cường, nếu không có công nghệ hiện đại, giá điện không thể đứng mãi ở mức ấy, rồi thì giá xăng dầu cũng sớm muộn sẽ tăng, DN ắt sẽ bị đào thải.
|
Những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng... đang rập rình chờ tăng giá. Ảnh: Kỳ Anh. |
Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Nguyễn Văn Thiện cũng chia sẻ: “Giá điện chiếm từ 5-7% giá thành sản phẩm ximăng. Với nhu cầu tiêu thụ ximăng năm nay lên tới 55-56 triệu tấn, trong khi giá điện, xăng dầu rục rịch tăng, giá than không những “đe dọa” tăng, mà còn không cung cấp đủ cho sản xuất. Song, Hiệp hội Ximăng đã thống nhất là tốc độ tăng giá phải kiềm chế. Để chủ động đối phó, nhiều DN ximăng đã đầu tư đổi mới công nghệ, nâng công suất ximăng lên 1,5-2 triệu tấn/năm, đồng thời tìm hướng XK sản phẩm.
Dư địa tiết kiệm điện còn lớn
Tăng giá điện, nhìn ở một khía cạnh khác sẽ là “đòn bẩy” giúp người dân, DN sử dụng điện hiệu quả hơn, chỉ sử dụng điện khi thật cần thiết và giảm sử dụng vào giờ cao điểm để hưởng giá điện rẻ. Theo Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), từ khi khởi xướng việc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tỉ lệ tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010 đã đạt khoảng 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc - tương đương tiết kiệm khoảng 65.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, dư địa cho tiết kiệm điện còn có thể nhiều hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp - Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, khảo sát của cơ quan chức năng trên 400 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp của cả nước có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể lên tới 30%. Hiện, hiệu suất sử dụng năng lượng của VN trong các nhà máy điện của VN chỉ từ 28-32%, trong khi các nước phát triển khoảng 42%; hiệu suất lò hơi cũng thấp hơn 20% so với mức trung bình của thế giới. Theo một quan chức ngành điện, với tổng lượng điện năng tiêu thụ dự kiến của năm nay (117 tỉ kWh), nếu chỉ tiết kiệm khoảng 10% nhu cầu sử dụng đã là 11,7 tỉ, đủ khỏa lấp thiếu điện trong mùa khô, khả năng thiếu hụt lên tới 2-4 tỉ kWh.