Phí bảo trì đường bộ: Muốn thu phải minh bạch
16/02/2011 7:52:00 SATin trong nước

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN VÕ LIỄU - nguyên tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô VN, một trong những người tham gia khởi thảo đề án quỹ bảo trì đường bộ - cho rằng không thể dựa vào số tiền còn thiếu so với nhu cầu vốn bảo trì đường bộ mà chia cho người dân đóng phí.

Ông Liễu nói:

Ông Nguyễn Võ Liễu - Ảnh: T.P.

- Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định nguồn kinh phí quỹ bảo trì đường bộ trước hết có một phần do ngân sách cấp, phần nữa thu trực tiếp và phần nữa Chính phủ quy định. Nhưng không thể tự ngồi nghĩ ra được quy định mà phải có một nghiên cứu thực tế, rộng rãi. Việc chúng ta ngồi tính hiện có bao nhiêu xe rồi quy ra mức phí chưa hẳn là đúng, có thể số xe hoạt động còn nhiều hơn vì những xe hết hạn lưu hành vẫn chạy mà không ai quản, môtô, xe máy cũng khó nắm được con số thực là bao nhiêu.

* Thưa ông, phương án thu phí theo đầu phương tiện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị lên Chính phủ có hợp lý?

- Theo tôi, phương án thu phí qua xăng dầu là thuận lợi nhất nhưng phải tổ chức lại hệ thống cung ứng xăng dầu. Thực hiện phương án này mà áp dụng hoàn phí cho những đối tượng sử dụng xăng dầu không tham gia hoạt động đường bộ sẽ nảy sinh rắc rối. Ở các nước, người ta muốn thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu thì phải tổ chức bán xăng dầu cho phương tiện đường bộ theo một hệ thống, còn bán cho những đơn vị tiêu dùng khác là một hệ thống khác. Các trạm xăng dọc đường chỉ bán cho phương tiện giao thông đường bộ thì không có chuyện hoàn phí. Chúng ta cần tính đến việc này và ngành kinh doanh xăng dầu cũng phải có trách nhiệm tổ chức bán xăng dầu tách biệt cho từng đối tượng sử dụng. Hơn nữa, giá một lít xăng có thể dao động tùy thời điểm nhưng giá để tính thu phí 1.000 đồng/lít là giá ổn định cũng có khi sẽ không sát thực. Người đóng phí có thể chất vấn căn cứ đâu để đưa ra mức phí là 1.000 đồng/lít.

Việc thu phí theo đầu phương tiện lại càng không hợp lý mặc dù đã tính là nắm chắc được một số tiền. Người dân sẽ chất vấn: tôi mua xe, cả năm chạy ít cũng thu phí bằng anh khác mua xe một tháng chạy bằng cả năm của tôi. Với những ôtô mua mới, 2-3 năm sau mới kiểm tra định kỳ phải đóng một cục ngay từ đầu cũng làm nhiều người không hài lòng. Việc thu phí của môtô, xe máy qua bán bảo hiểm phải thuê ông bán bảo hiểm thu hộ, trong khi quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là bắt buộc nhưng chắc gì mọi người đều mua. Cả hai phương án mà Bộ GTVT trình lên Chính phủ đều chưa hợp lý, nên cần có khảo sát thực tế và có một phương án thực tế hơn.

* Mức phí dự kiến đối với ôtô, xe máy mà Bộ GTVT đưa ra có quá cao?

- Điều mọi người quan tâm là căn cứ vào đâu để tính mức phí. Không thể căn cứ vào chi phí bảo trì đường bộ thực tế hằng năm còn thiếu để chia trở lại cho người dân. Thiếu thì phải tính cách huy động từ đâu ra, đừng vội nghĩ ngay đến chuyện bắt người dân phải đóng.

Tôi nghĩ chúng ta cần có quỹ để đảm bảo duy trì đường bộ nhưng mức thu là bao nhiêu cần phải thật minh bạch. Muốn minh bạch phải điều tra, khảo sát, thuyết minh rõ ràng.

* Theo Bộ GTVT, khi thực hiện thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ thì sẽ xóa bỏ trạm thu phí, chỉ giữ trạm thu phí BOT (do doanh nghiệp đầu tư). Nhiều người lại sợ tình trạng trạm BOT phát triển nhiều hơn?

- Để xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách cũng không đơn giản khi chủ trương của Chính phủ lập trạm là để hoàn vốn cho công trình. Ngay cả lộ trình cắt giảm trạm thu phí cũng không thuộc quyền Bộ GTVT mà còn có cả Bộ Tài chính, nên xóa bỏ ngay không dễ.

Xóa bỏ các trạm thu phí mà vẫn tồn tại trạm BOT sẽ dẫn đến khả năng mọc thêm nhiều trạm BOT, các nhà đầu tư thường chọn những đoạn đường có mật độ lưu thông cao để thu phí. Nếu thực hiện được quỹ bảo trì, khi đó trạm thu phí chỉ nên tồn tại ở những tuyến đường có chất lượng cao, đi lại nhanh hơn, bên cạnh đó cũng phải có những tuyến đường kém hơn để người dân lựa chọn.

Khó giải quyết công bằng

Bên lề hội nghị tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông năm 2011 sáng 15-2, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng việc thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ rất khó để giải quyết được sự công bằng cho tất cả các phương tiện.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ GTVT trình cả hai phương án thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ thông qua giá xăng dầu và dựa trên đầu phương tiện. Bộ GTVT đưa ra cả hai phương án để tham khảo ý kiến xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ sẽ quyết định lựa chọn phương án tối ưu. Ông Dũng cũng cho rằng phương án thu qua giá xăng dầu được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nhưng phương án này gặp vướng mắc trong việc tổ chức hoàn phí cho phương tiện sử dụng xăng dầu mà không lưu thông trên đường bộ, nhất là khi Luật thuế bảo vệ môi trường cũng ấn định thu phí qua giá xăng dầu... Vì vậy, việc thu phí bảo trì đường bộ thông qua phương tiện được coi là có ưu thế hơn khi “anh tham gia giao thông thì phải đóng góp vào bảo trì đường sá”.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent