|
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội, quận 9, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
Ông Hoàng Ngọc Quang (chủ nhiệm Hợp tác xã xe du lịch 12):
3 điều không đồng tình
1. Mức thu từ 1,2-1,4 triệu đồng/năm phí bảo trì đường bộ đối với người sử dụng xe gắn máy là quá nặng, nhất là với người lao động. Mức thu này lấy mất một tháng lương của công nhân! Ngoài ra, việc đề xuất mức thu “cào bằng” cho tất cả những người sử dụng xe máy cũng không hợp lý.
2. Bộ Giao thông vận tải đề xuất ngành đăng kiểm thu phí hộ là không hợp lý. Bộ Giao thông vận tải nhờ dịch vụ bảo hiểm thu phí hộ khác nào ép buộc người sử dụng xe nộp phí bảo trì đường bộ phải mua bảo hiểm?
3. Thu phí trực tiếp trên đầu phương tiện là không hợp lý. Theo tôi, nên thu phí qua xăng dầu như hiện nay.
Ông Hoàng Đức Hậu (hội viên Hội Cầu đường VN):
Không công bằng
Bộ Giao thông vận tải đưa ra phương án thu phí bảo trì đường bộ cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trong khi đó có nhiều người dân chỉ đi lại ở các con đường nông thôn, miền núi (loại đường này chiếm 55% tổng kilômet đường quốc gia) mà phải nộp phí này là không hợp lý.
Tôi được biết Bộ Giao thông vận tải quản lý các tuyến quốc lộ chiếm tỉ lệ rất ít so với các tuyến đường do các địa phương quản lý. Vì vậy việc đặt ra phí bảo trì đường bộ để bắt mọi người phải nộp phí là quá khắc nghiệt.
Tại sao Bộ Giao thông vận tải không tiếp tục để Bộ Tài chính sử dụng cách thu phí qua xăng dầu như hiện tại? Theo tôi, đây là biện pháp đơn giản và hợp lý. Nếu Bộ Giao thông vận tải thấy biện pháp thu này không công bằng thì nên đề xuất biện pháp tốt hơn chứ không nên đưa ra biện pháp tệ hơn như vậy.
Thực tế cho thấy khi các nhà đầu tư làm đường tốt thì người dân sẵn sàng nộp phí khi đi qua trạm thu phí. Vì vậy tôi cho rằng phương án tốt nhất là Bộ Giao thông vận tải cần làm đường thật tốt để người dân nộp phí khi qua trạm thu phí và người không sử dụng đường đó thì không nộp phí.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa (Đại biểu HĐND TP.HCM):
Đóng phí nhưng có được đi trên đường tốt?
Tôi ủng hộ việc thu phí bảo trì, duy tu đường bộ để đảm bảo an toàn cho giao thông, nhưng cần cân nhắc hình thức thu thế nào cho phù hợp để người dân vui vẻ đóng phí. Thực tế cho thấy dù nhà nước đã thu phí bảo trì đường từ lâu qua xăng dầu nhưng vẫn còn rất nhiều tuyến đường thiếu an toàn, xuống cấp nặng nề. Điều băn khoăn của người dân là tại sao họ đóng phí mà không được chạy trên những tuyến đường tốt, đảm bảo an toàn?
Theo tôi, việc thu phí qua đầu phương tiện sử dụng đường bộ theo hướng đề xuất của Bộ Giao thông vận tải là chưa phù hợp. Đối với môtô, xe máy, mức thu thấp nhất là 80.000 đồng/tháng (cả năm là 960.000 đồng) trong khi không ít người dân sử dụng xe máy chỉ có giá vài ba triệu đồng/chiếc. Chưa kể với nhiều người nghèo, mức phí 80.000 đồng/tháng là khoản tiền không nhỏ.
Đối với ôtô, hiện nay phải nộp phí tại các trạm thu phí cầu, đường, nay phải chịu thêm mức phí như đề xuất trên quả là gánh nặng. Còn với ôtô mới, phải nộp phí lần đầu cho hai năm rưỡi đến ba năm lưu hành theo chu kỳ cấp giấy chứng nhận đăng kiểm thì chủ xe phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Và cho dù chủ ôtô chấp nhận đóng phí thì tất cả chi phí bảo trì cầu đường cũng sẽ được cộng dồn vào chi phí vận chuyển và sẽ làm tăng giá hàng hóa, cuối cùng người dân phải gánh chịu tất cả.
Tôi ủng hộ cách thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu như hiện nay. Nếu sợ nhầm đối tượng thu phí, cơ quan chức năng nên loại trừ những người sử dụng xăng dầu để tưới tiêu phục vụ nông nghiệp hoặc sử dụng vào mục đích khác ra khỏi đối tượng phải nộp phí bảo trì đường bộ khi mua xăng dầu.