Thời gian qua, Báo CATP liên tục có bài phản ánh về việc Doanh nghiệp tư nhân Trường Thống (tại ấp Chợ, xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) trốn thuế hàng trăm triệu đồng, nhưng vẫn được các cơ quan tại huyện này đề nghị xử lý hành chính. Sau khi báo phản ánh, ngày 10-2-2011, thông tin từ Cơ quan điều tra huyện Gò Công Đông cho biết đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Ngọc Linh (SN 1974, ngụ ấp Đôi Ma II, thị trấn Vàm Láng; giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trường Thống) về hành vi trốn thuế.
THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP ĐỂ GIAN LẬN TIỀN THUẾ
Ngày 27-9-2007, Doanh nghiệp tư nhân Trường Thống (DNTT) được thành lập do bà Linh làm giám đốc. Theo giấy phép kinh doanh mà bà Linh đăng ký, DNTT chuyên kinh doanh xăng dầu và nước đá, trữ lượng tối đa có ba bồn chứa dầu DO với số lượng 75.000 lít. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng huyện Gò Công Đông phát hiện, DNTT có dấu hiệu trốn thuế.
Trước thực trạng trốn thuế, gian lận thương mại hết sức phức tạp, năm 2010, Công an huyện Gò Công Đông đã xác lập chuyên án để lật tẩy hành vi trốn thuế của DNTT. Lúc 21 giờ ngày 20-8-2010, trinh sát Công an huyện Gò Công Đông kết hợp với lực lượng QLTT kiểm tra tàu dầu biển số SG 04154 đang bơm dầu vào bồn chứa của DNTT. Qua kiểm tra, tàu chở hơn 68 ngàn lít dầu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Toàn bộ số dầu trên là của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Biên Phòng (gọi tắt là Công ty Biên Phòng, tại ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) do ông Lê Văn Vệ làm giám đốc. Ngoài ra, tổ kiểm tra còn thu hồi được cuốn số tay ghi giao dịch giữa hai đối tác trên với số lượng lên đến 3,4 triệu lít dầu.
Từ đó, cơ quan chức năng huyện Gò Công Đông đã đề nghị chuyển toàn bộ vụ việc sang Thanh tra nhà nước tiếp tục làm rõ. Ngày 16-11-2010, Thanh tra nhà nước huyện Gò Công Đông đã có kết luận hoạt động làm ăn phi pháp tại DNTT. Theo sổ sách kế toán, số lượng dầu tồn kho không còn nhưng doanh nghiệp vẫn xuất bán cho ngư dân với số lượng 21.382 lít. Mặc khác, doanh nghiệp có ba bồn chứa với trữ lượng 75.000 lít, nhưng thực tế số lượng dầu mà DNTT tồn trên sổ sách cao gấp nhiều lần so với thực tế. Cụ thể, ngày 22-2-2010, số lượng dầu tồn kho tại DNTT lên đến gần 160 ngàn lít. Ngày 3-7-2010, trữ lượng dầu tồn kho hơn 126 ngàn lít. Làm việc với đoàn thanh tra, bà Linh cho rằng số lượng dầu tồn nhiều là do ngư dân đặt trước chưa kịp lấy. Do số lượng dầu quá nhiều, DNTT gởi tạm kho của Công ty cổ phần thương mại Thuận Tiến (tại ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Khi thanh tra yêu cầu chứng minh, bà Linh đưa hợp đồng ký gởi hàng hóa không ngày, không số...
Bên cạnh đó, việc xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng tại DNTT không đúng với số lượng dầu đã tiêu thụ. Thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên năm hộ dân đã tiêu thụ dầu tại DNTT tám tháng đầu năm 2010, số lượng dầu mua từ đơn vị này là 543.660 lít, nhưng doanh nghiệp xuất hóa đơn 168.968 lít. Như vậy, số lượng dầu mà DNTT không xuất hóa đơn lên đến 365.692 lít. Ngoài ra, theo sổ theo dõi tại Trạm thu phí chở dầu, năm 2010 số lượng dầu của Trường Thống không qua cảng hơn tám trăm ngàn lít. Thực tế, hàng trăm ngư dân tiêu thụ dầu tại DNTT cho thấy, doanh nghiệp trốn thuế với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng chưa được làm rõ.
MỘT THÁNG XUẤT HÓA ĐƠN HƠN MỘT TRIỆU LÍT DẦU
|
Tang vật trong vụ buôn bán xăng dầu bị công an xử lý |
Với hàng loạt kiểu kinh doanh mờ ám tại Doanh nghiệp tư nhân Trường Thống, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông đã ký kết luận thanh tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang cơ quan công an. Cơ quan điều tra Công an huyện Gò Công Đông đã xác định: để nhập lượng dầu lớn bán cho ngư dân không xuất hóa đơn nhằm trốn thuế, DNTT nhập số lượng lớn dầu từ Công ty Biên Phòng (CTBP). Ngày 3-7-2009, CTBP được thành lập với chức năng dự trữ xăng dầu phòng chống bão lụt và bán lẻ cho ngư dân đánh bắt thủy sản trên địa bàn huyện Gò Công Đông. Qua xác minh, các cơ quan chức năng đã xác định, từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh, CTBP không thực hiện nhiệm vụ như đã cam kết, không bán lẻ dầu cho ngư dân mà chỉ cung cấp số lượng lớn cho DNTT. Trong tám tháng của năm 2010, CTBP bán cho DNTT hơn tám triệu lít dầu Do. Cơ quan chức năng kiểm tra lại số lượng nhập kho mà CTBP đã nhận từ đại lý chính thống cho thấy, số lượng dầu mà CTBP mua của đại lý trong tám tháng năm 2010 chỉ khoảng 650.000 lít. Vậy số dầu lớn được mua bán giữa hai doanh nghiệp ở đâu ra?
Ngoài ra, từ ngày thành lập, CTBP đã ký kết nhiều hợp đồng với công ty, doanh nghiệp có hành vi buôn lậu như: Công ty cổ phần nhiên liệu miền Nam (do Hùng “xì tẹt” làm giám đốc đang thụ án giam); Công ty cổ phần nhiên liệu Cửu Long (do Dũng Búa làm giám đốc)... Việc mua bán trên, CTBP đã vi phạm khoản 2, điều 17, mục 3, chương II Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ về quyền và nghĩa vụ của tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu “Đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối”.
Thời gian đầu, các cơ quan pháp luật huyện Gò Công đã lúng túng trong việc xử lý bởi lẽ, nếu khởi tố DNTT về hành vi trốn thuế thì phải xem xét trách nhiệm CTBP hành vi buôn lậu. Sau khi Báo CATP và nhiều cơ quan báo chí vào cuộc, cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Vệ, Giám đốc CTBP đã làm nhiều đơn đề nghị gởi đến các cơ quan báo chí “kêu oan”. Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Vệ. Điều hết sức ngạc nhiên, ông Vệ cho rằng, CTBP ký kết hợp đồng với DNTT từ ngày 14-8-2010. Ông cung cấp bốn hóa đơn xuất bán hàng cho DNTT. Từ ngày 14-8-2010 đến ngày 14-9-2010, CTBP xuất bốn hóa đơn với lượng dầu khổng lồ cho DNTT, hơn một triệu lít dầu. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, bồn chứa của DNTT chỉ 75.000 lít, nhưng mua với số lượng trên thì bán và chứa ở đâu, ông Vệ nói: “Tôi không biết, họ mua thì tôi bán”.
Dư luận hoài nghi bốn hóa đơn với hơn một triệu lít dầu mà CTBP đã cung cấp cho báo chí. Liệu CTBP bị oan hay tiếp tay cho hàng loạt sai phạm của DNTT? Dư luận đang chờ kết luận chính thức từ Cơ quan điều tra Công an huyện Gò Công Đông.