|
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010, số tiền 3.500 tỷ đồng đầu tư cho Petro Vietnam đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011. Mặc dù trước đó, kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, trên 50% ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (200/398 phiếu) không đồng ý.
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội biểu quyết, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án, công trình đang trong quá trình triển khai thực hiện, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Vì vậy, Ủy ban đã đề nghị Quốc hội chấp thuận cho việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Petro Vietnam như đề nghị của Chính phủ. Song đề nghị Chính phủ báo cáo một số nội dung theo yêu cầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 9 (dự kiến vào cuối tháng 3/2011) sau đó mới quyết định chi cụ thể.
Trong phiên họp này, vào cuối giờ chiều thứ Sáu (18/2), sau khi nghe báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương trình bày và ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về nội dung nói trên.
Thời gian còn lại trong ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.
Để chuẩn bị cho tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 vào cuối tháng 3 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc chuẩn bị báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 12 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ được cho ý kiến tại phiên họp này.
Một số dự án luật nằm trong chương trình thông qua tại kỳ họp thứ chín cũng sẽ được tiếp tục thảo luận. Đó là các dự án Luật Thủ đô; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Phòng, chống mua bán người và Luật Kiểm toán độc lập.
Vào chiều ngày 19/2, trước khi bế mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa 13.
Trước đó, trao đổi với VnEconomy, Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho biết tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa tới được quy định chặt chẽ hơn.
Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương thì phải có năng lực chuyên môn tương đương với các ủy viên thường vụ tỉnh ủy hoặc phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, hoặc đã quy hoạch vào chức vụ này và có hướng phát triển tốt.
Còn đại biểu ở Trung ương thì phải đã và đang làm vụ trưởng hoặc có trình độ tương đương từ vụ trưởng các cơ quan Trung ương trở lên mới bố trí làm chuyên trách.