Tại An Giang, trên các nhánh sông thuộc huyện An Phú thỉnh thoảng gặp những chuyến vỏ lãi chất đầy can xăng dầu chạy ngược qua biên giới Campuchia. Nhiều ghe tàu chuyên chở hàng sang Phnom Penh thường ghé lại các bè xăng đong thêm vài chục can dầu rồi đem giấu kín dưới khoang.
Một chủ ghe cho hay gần đây bên Campuchia giá xăng dầu khá cao nên mỗi chuyến đều “ôm” theo vài chục can (30 lít) xăng dầu để kiếm lời.
Nhiều cây xăng ở khu vực cửa khẩu Khánh Bình luôn chất sẵn hàng đống can nhựa, khi chiều xuống chúng được bơm đầy xăng dầu, sau đó đưa xuống ghe vận chuyển qua cửa khẩu Chraythom. Theo Hải quan Khánh Bình, huyện An Phú cách phía bạn chỉ một con sông và buôn lậu xăng dầu chủ yếu hoạt động về đêm nên khó kiểm soát.
Nhưng điểm nóng lâu nay vẫn là khu vực cửa khẩu Tịnh Biên. Sớm tối, tại các sà lan bán lẻ trên kênh Vĩnh Tế luôn đông người tập trung đến mua gom. Trên bờ dân buôn liên tục chở can nhựa đến hai cây xăng cạnh đồn biên phòng và chi cục hải quan mua rồi tập kết hàng đống dọc bờ kênh. Hàng chục vỏ lãi lần lượt thay nhau chất đầy can xăng dầu theo ngả kênh Tư Mèo vượt biên qua Thom Đưng, Kirivong, Takeo.
Lòng mương hẹp, phương tiện liên tục lên xuống, tiếng động cơ vang động cả một vùng. Từ xa nhìn thấy rõ những chiếc vỏ lãi chạy xé nước, tung bọt trắng xóa giữa đồng lúa xanh. Các đồn, trạm hải quan, biên phòng đều tập trung quanh đấy, thế nhưng chẳng thấy ai ngăn chặn.
Tại biên giới Đồng Tháp, tình hình xuất lậu xăng dầu cũng bắt đầu nóng khi giá xăng dầu thế giới vừa nhích thêm. Một số sà lan bán lẻ trên sông Sở Thượng luôn chất sẵn hàng đống can nhựa chứa đầy xăng dầu. Sớm chiều, ghe buôn, võ lãi liên tục ghé “ăn hàng” vận chuyển lên Piemcho, Niec Lueong (Prey Veng).
Một cán bộ Đội quản lý thị trường số 2 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An xác nhận trong những ngày qua có hiện tượng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Các đối tượng buôn lậu xăng dầu lén mua từng can (loại can nhựa 30 lít) để vận chuyển qua biên giới.
Các đối tượng này theo dõi lực lượng quản lý thị trường rất kỹ nên dễ dàng phát hiện đoàn kiểm tra để lẩn trốn. Các đối tượng buôn lậu bán xăng qua Campuchia hưởng chênh lệch 1.000-2.000 đồng/lít và sẽ hưởng 3.000-4.000 đồng/lít nếu lấy bằng tiền Campuchia.
|
Trong khi đó, tại huyện Giang Thành (Kiên Giang), nhiều điểm kinh doanh xăng dầu dọc bên đường thường kéo kín rào, treo bảng hết xăng; một số mới 16g đã đóng cửa khiến không ít xe máy lỡ hết xăng dọc đường phải dắt bộ. “Ban ngày họ muốn bán thì bán, muốn nghỉ thì nghỉ, nhiều khi mua dầu chạy nước lúa không có” - một số hộ dân ở hai xã Tân Khánh Hòa, Vĩnh Điều phản ảnh.
Thế nhưng khi trời sẩm tối thì hàng đống can nhựa bơm đầy xăng dầu được chuyển lên xe tải, xuống ghe để vận chuyển qua phía Ton Hol, Kampot.
Riêng tại khu vực biên giới của tỉnh Long An với Campuchia, tình trạng buôn lậu xăng dầu cũng diễn ra khá tấp nập. Hầu như xe gắn máy thồ xăng chạy suốt ngày trên tuyến kênh 28 từ thị trấn Vĩnh Hưng đến xã Khánh Điền A (huyện Vĩnh Hưng) dài hơn 17km.
Trên đoạn đường này lúc nào cũng có 30-40 xe gắn máy, mỗi xe chở 5-6 can xăng (30 lít/can) chạy bạt mạng về hướng biên giới Campuchia, thậm chí có cả phụ nữ tham gia chở xăng qua biên giới để bán. Còn tại huyện Tân Hưng, tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới cũng khá nhộn nhịp.
Trên đoạn kênh dài hơn 15km, rộng chưa đầy 20m giáp giữa biên giới tỉnh Long An và Campuchia, bất cứ chỗ nào cũng được đối tượng buôn lậu tận dụng để tập kết, thả dây kéo xăng qua biên giới. Hiện mỗi lít xăng “chảy” qua bên kia biên giới người bán sẽ thu lãi 2.000 đồng, tính ra mỗi chuyến kiếm được hơn 300.000 đồng.