Cần phá độc quyền của ngành điện, than, xăng dầu
09/02/2011 9:50:00 SATin trong nước

Để phá vỡ thế độc quyền của ngành điện, xăng dầu, than việc tạo cạnh tranh là cơ bản nhất và việc kiểm tra, giám sát phải minh bạch hóa và phải chỉ rõ trách nhiệm của từng DN. Đồng thời, Chính phủ nên thuê các chuyên gia giám sát độc lập để xem cơ cấu giá của các ngành này có hợp lý không.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đề xuất như vậy và cho rằng đó mới là cái gốc của vấn đề vì khi kiểm soát được cạnh tranh theo thị trường thì sẽ có mặt bằng giá hợp lý.

Bà nêu rõ, nhà nước muốn giá cả theo cơ chế thị trường, thế nhưng không tạo ra sự cạnh tranh thì đó chưa phải là cơ chế thị trường thực sự. Hơn mười năm trước, trên thị trường nước ta mạng điện thoại di động chỉ có một nhà cung cấp, giá cước lúc đó luôn ở mức cao ngất ngưởng. Nhưng chỉ sau mấy năm, thị trường này bắt đầu sôi động với sự xuất hiện của nhiều nhà mạng mới. Ngay lập tức, giá cước di động liên tục hạ nhiệt. Người tiêu dùng chính là đối tượng được hưởng lợi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu rõ, hiện nay, thị trường của ba ngành điện, than, xăng dầu chưa có cơ chế cạnh tranh mà các DN lại cứ đòi tăng giá là một điều khó chấp nhận được.

Chỉ khi nào có sự cạnh tranh thì khi đó mặt bằng giá mới thể hiện tính chất thị trường. Trong khi đó, các ngành điện, than, xăng dầu đang độc quyền và giữ quyền chi phối thị trường, có quyền đưa ra mức giá áp đặt. Ngành điện đề nghị tăng giá nhưng giá thành của ngành điện thì ai kiểm chứng, kiểm toán? Đó mới là điều đáng quan tâm. Ngành điện hiện nay không chỉ thống lĩnh về sản xuất mà còn cả phân phối. Với lợi thế như vậy, chuyện nâng giá của ngành điện trở thành sự áp đặt - không cho phép người tiêu dùng có sự lựa chọn thị trường. Những chuyện tương tự dễ khiến xảy ra tình trạng các DN này sử dụng cơ chế thị trường vào mục đích kinh doanh có lợi cho riêng họ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng các DN điện, than, xăng dầu hành xử theo thói quen độc quyền, ngay cả trong cách họ đòi hoạt động theo cơ chế thị trường. Bản thân Chính phủ ít nhiều đã tạo sự dễ dãi cho DN bằng các giải pháp nhiều lần bù lỗ, cho tăng giá dẫn đến dần dần không kiểm soát được cơ chế hoạt động kinh doanh, kiểm soát giá thành và lãi lỗ thực của DN. Và như thế, vô hình trung Chính phủ cứ làm theo cái DN kêu. Đây là điều rất phi lí. Đáng ra Chính phủ phải tạo một sức ép mạnh hơn để họ cải thiện hoạt động kinh doanh, thay đổi hệ thống máy móc, cải thiện năng lực điều hành DN thì lại đáp ứng nhu cầu khi họ kêu lỗ! Chính sự ưu ái của Chính phủ và các bộ ngành khiến các DN có cớ để “nũng nịu”. Đặc biệt, việc Nhà nước tạo điều kiện cho DN bằng việc bảo hộ, bao cấp, hỗ trợ họ về tín dụng trong thời gian rất lâu đã tạo cho họ “vị thế” có quyền đòi hỏi.

Ví dụ như EVN kêu thiếu vốn đầu tư, để cho các nhà thầu nước ngoài thắng thầu trong khi chính đơn vị này lại mang tiền đi đầu tư các lĩnh vực khác như khách sạn, viễn thông, nhà hàng, bất động sản, chứng khoán tràn lan, còn nhiệm vụ chính của mình thì không lo nổi. Thiếu điện, cắt điện triền miên mà ngành điện vẫn chưa có một phương án giải quyết triệt thiếu điện để hài hòa được giá bán điện và kiểm soát năng lượng.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng ngành xăng dầu, nếu vận hành kinh doanh theo cơ chế thị trường thì phải đồng nghĩa với việc phải có cạnh tranh cả về giá bán của các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu, tạo ra một thị trường có nhiều giá bán. Tuy nhiên, mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, các DN lại có chung một mức điều chỉnh và thời gian thì cũng… gần như trùng thời điểm. Điều này cho thấy tính chất độc quyền trong kinh doanh rất rõ. Và một khi Petrolimex là một DN lớn của Nhà nước, chiếm giữ tới 60% thị phần xăng dầu cả nước thì đương nhiên cũng chi phối luôn giá cả thị trường này. 10 DN đầu mối xăng dầu còn lại với thị phần ít hơn, sức ép đảm bảo nguồn cung cũng ít hơn… thì cho dù quyền lợi có được hưởng nhiều hơn thì họ cũng không thể đưa giá xuống thấp hơn. Điều này tất yếu dẫn đến một hệ quả là không thể có sự cạnh tranh lành mạnh thực chất khi thị trường chỉ có một giá! Cuối cùng, người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi từ hệ quả này.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.370
Xăng RON 95 - III
20.850
Xăng E5 RON 92 - II
19.740
Dầu DO 0,05S 18.910
Dầu DO 0,001S - V 19.120

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 07/11/2024

Giá dầu thô Brent