Thay vì áp mức thuế suất phù hợp trong Biểu khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đã được Quốc hội thông qua nhằm thực hiện mục tiêu tăng thu cho ngân sách, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm ít gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường…, Bộ Tài chính vừa đề xuất áp mức thuế suất thấp nhất trong Biểu khung thuế này đối với nhiều sản phẩm nhằm góp phần kiềm chế lạm phát và không gây xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện rất nhiều nước trên thế giới áp dụng thuế BVMT đối với xăng, dầu và đều áp mức thuế suất khá cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng diễn biến bất thường hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho áp mức thuế suất đối với các sản phẩm nhiên liệu hoá thạch này đúng bằng mức phí mà các sản phẩm xăng dầu đang phải chịu.
Cụ thể, phí xăng dầu (sẽ bãi bỏ khi thực hiện Luật Thuế BVMT kể từ ngày 1/1/2012) đang áp dụng với mức 1.000 đồng/lít đối với xăng, nhiên liệu bay; 500 đồng/lít đối với dầu diesel; 300 đồng/lít đối với dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn... Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận thì các sản phẩm này chỉ phải chịu thuế BVMT đúng bằng mức phí đó.
Bộ Tài chính cũng đề xuất áp mức thuế suất thấp nhất trong Biểu khung thuế BVMT nhằm giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước đối với mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành là than đá. Cụ thể, than nâu, than mỡ, than đá khác dự kiến phải nộp thuế bảo vệ môi trường theo mức 10.000 đồng/tấn, than antraxit 20.000 đồng/tấn.
Việc áp thuế suất tối thiểu trong khung thuế, nhưng tăng khá mạnh so với mức phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản, theo ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, một mặt là do Nhà nước vẫn quản lý giá bán than cho các ngành sản xuất điện, xi măng, giấy, phân bón, trong khi giá bán than trong nước thấp hơn giá bán than trên thị trường thế giới; mặt khác, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam điều chỉnh tăng giá bán than cho ngành sản xuất điện, xi măng, giấy, phân bón. Do đó, cần phải điều tiết thuế BVMT đối với than để giá bán than trong nước tiếp cận dần với giá than thế giới, tạo động lực để các ngành sản xuất dùng nhiều than phải sử dụng tiết kiệm hơn.
“Với mức thuế như dự kiến, số thu của thuế BVMT đối với mặt hàng than chỉ tương đương 1% giá bán, nên ảnh hưởng không nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành than; trong khi giá sản phẩm có sử dụng đầu vào là than tăng không tới 1% cũng sẽ tác động không đáng kể đến sản xuất và tiêu thụ hàng hoá”, ông Ninh khẳng định.
Không giống như xăng dầu và than đá, Bộ Tài chính đề xuất thu thuế BVMT đối với dung dịch HCFC (được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như làm lạnh, điều hoà không khí, dập cháy, bọt xốp và dung môi) là 2.500 đồng/tấn, thay vì mức thuế suất sàn 1.000 đồng tấn, bởi tác động của mức thuế này đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng không đáng kể.
Theo ông Ninh, mức thuế suất này sẽ góp phần thực hiện cam kết Nghị định thư Montreal ở Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất, giảm dần sử dụng HCFC, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.