Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng Cục trưởng, Cục Đường bộ đã có cuộc trao đổi với báo chí.
- Xin ông cho biết Dự thảo quỹ bảo trì đường bộ được soạn thảo đến đâu rồi?
Sau nhiều lần trình dự thảo lấy ý kiến, sau khi Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện các phương án thu, chung tôi đã sửa đổi phương án thu. Theo đó đề xuất thu đối với cả ô tô lẫn mô tô theo cách thu tính qua đầu phương tiện.
- Ông có thể cho biết cụ thể ra sao?
Ô tô tính mức phí từng loại xe, sẽ được thu theo tháng, với chu kỳ thu 1 tháng/lần, hoặc 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần. Mô tô đề xuất thu thông qua bảo hiểm một năm/ lần
- Vậy mức thu phí bảo trì đường bộ từ đầu phương tiện sẽ như thế nào?
Mức thu cụ thể chưa được đề xuất mà mới đưa ra chủ trương trong dự thảo để Bộ GTVT lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện nhằm đưa ra mức thu hợp lý trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.
- Vậy khi tiến hành thu phí qua đầu phương tiện có bỏ các trạm thu phí không?
Đối với các trạm do nhà đầu tư (dạng BOT) thu phí hoàn vốn thì họ vừa thu phí vừa hoàn vốn đầu tư, vừa bảo trì công trình, quỹ bảo trì không cấp kinh phí bảo trì cho các công trình BOT nên các trạm thu phí BOT vẫn tồn tại. Đối với các trạm thu phí trong thời gian vừa qua đã đấu thầu quyền thu phí (5 trạm) với thời hạn bán quyền thu phí năm năm sẽ tiếp tục thực hiện hết thời hạn thu phí đã được bán quyền cho các nhà đầu tư đến hết thời hạn hợp đồng. Còn đối với các trạm thu phí hiện nay đang thu nộp vào ngân sách nhà nước để cấp lại cho công tác bảo trì đường bộ (còn hơn 20 trạm) sẽ kiến nghị để sắp xếp, chuyển đổi theo lộ trình phù hợp trong khoảng một năm rưỡi đến ba năm.
- Nhưng hiện nay số lượng trạm BOT vẫn nhiều, nếu vẫn duy trì cả các trạm này lẫn thu vào quỹ bảo trỳ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, mất công bằng?
Hiện còn 5-6 trạm BOT. Trong phương án đầu tư, các trạm này họ vừa thu hoàn vốn đầu tư và thu để quản lý, sửa chữa các công trình BOT này. Các công trình BOT được đầu tư theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao nên cần hoàn vốn, vì vậy việc nên duy trì là cần thiết.
- Nhưng nhiều nhà đầu tư BOT chỉ đầu tư xây các tuyến tránh (cho quốc lộ 1) nhưng vẫn thu cả tuyến chính trên quốc lộ 1 khiến dân rất oan?
Đúng là có một số ít trạm thu phí đặt ở vị trí không nằm trên công trình BOT, bộ đang nghiên cứu sắp xếp để tránh thiệt hại cho các phương tiện
- Mới đây mức thu phí cầu Tào Xuyên (Thanh Hóa) Bộ GTVT đã yêu cầu hạ từ 2 lần xuống còn 1,5 lần. Vậy việc bồi thường cho nhà đầu tư thế nào để tiếp tục kêu gọi đầu tư vào hạ tầng khi ngân sách có hạn?
Mức thu phí trạm Tào Xuyên do bộ Giao thông quyết định, bộ đã có văn bản cùng bộ Tài chính, đang xem xét giải quyết. Nếu giảm thì sẽ điều chỉnh các nội dung như tăng thời gian cho phù hợp. Việc điều chỉnh như vậy là cần thiết nhưng điều chỉnh làm sao để có sự hài hòa giữa quyền lợi nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Xoá bỏ và tạm dừng 6 trạn thu phí đường bộ
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận đề xuất của bộ Giao thông vận tải về việc xóa bỏ ba trạm thu phí: trạm Việt Trì – quốc lộ 2, trạm Cầu Hồ - quốc lộ 38 và trạm phí Km 58 – quốc lộ 18. Lý do là vì trạm Việt Trì – quốc lộ 2 quá gần (chỉ cách 28km) với trạm đường tránh Vĩnh Yên, còn trạm Km 58 – quốc lộ 18 chỉ cách trạm Phả Lại 34km, trong khi quy định là cách nhau tối thiểu 70km. Trạm Cầu Hồ bị xóa do số thu quá thấp.
Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của bộ Giao thông về tạm dừng thu phí bốn trạm phí khác là trạm Yên Thành (quốc lộ 7); trạm Hồng Lĩnh (quốc lộ 8); trạm Sóc Sơn (quốc lộ 3); trạm thu phí số 3 (quốc lộ 14).
|