Tổng cục Đường bộ đề xuất thu phí lưu hành xe máy hằng năm và ôtô qua kilomet xe chạy để lấy vốn bảo trì đường bộ. Đề xuất này nhiều người tán thành nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, lại băn khoăn về cách thu.
. Vậy phải chăng ông vẫn ủng hộ cách thu qua xăng dầu như trước đây Hiệp hội đã từng kiến nghị?
+ Nếu như trước đây, xăng dầu chưa phải “cõng” phí môi trường thì thu phí lưu hành phương tiện qua xăng dầu là hợp lý, bảo đảm sự công bằng là xe đi nhiều thì đóng nhiều, đi ít thì đóng ít. Nhưng nay, phương án này không còn phù hợp vì xăng dầu mà “cõng” thêm loại phí trên sẽ tác động đến giá cả. Tôi cho rằng Tổng cục Đường bộ kiến nghị không thực hiện phương án thu phí qua xăng dầu là hợp lý.
Với cách thu theo đầu phương tiện thì thuận lợi, khó khăn dự thảo đã đề cập rồi nhưng thuận lợi là chính. Vấn đề là phải giảm được mức chi phí nuôi bộ máy xuống mức thấp nhất nếu chúng ta lựa chọn phương án này. Vì suy cho cùng người dân nộp phí là để phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng đường sá, thuận lợi cho việc đi lại chứ không phải để nuôi bộ máy đi thu phí (mỗi năm tốn 150 tỉ đồng, dự thảo nêu).
. Nhưng một số ý kiến cho rằng chỉ nên thu phí đối với ôtô, còn xe máy thì miễn vì Nhà nước đã miễn phí cho xe máy khi qua trạm. Hơn nữa, mức tác động của xe máy đến chất lượng đường sá cũng không đáng kể. Nếu chúng ta thu phí này với xe máy chẳng khác gì hủy các quyết định miễn phí mà Nhà nước đã ban hành. Ý kiến của ông thế nào, thưa ông?
+ Xét về tâm lý thì những người chạy xe máy chẳng ai muốn phải đóng phí. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chia sẻ những khó khăn của Nhà nước và cũng phải thừa nhận rằng xe máy ít nhiều cũng gây ra những tác động làm chất lượng đường sá xuống cấp. Do đó, tôi cho rằng việc thu phí lưu hành phương tiện đối với xe máy là hoàn toàn hợp lý. Đặc biệt, mức thu cũng không quá lớn (chỉ 80.000-150.000 đồng/năm) nên người dân có thể chấp nhận được.
|
Khi người dân đã nộp phí giao thông thì đường sá không phải bị lồi lõm như thế này. Ảnh: HTD |
. Người tham gia giao thông lo rằng đường vẫn còn ổ gà, ổ trâu dù họ đã thực hiện nghĩa vụ nộp phí?
+ Đây chính là vấn đề mà tôi quan tâm nhất. Vì khi người tham gia giao thông đã thực hiện trách nhiệm nộp phí thì Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Giao thông vận tải, phải có nghĩa vụ nâng cấp, sửa chữa đường, bảo đảm cho người dân tham gia giao thông một cách thuận lợi nhất.
. Việc quản lý, sử dụng quỹ thế nào cho đúng mục đích cũng là điều người dân quan tâm, theo ông thì nên quản lý thế nào?
+ Theo tôi được biết, trong dự thảo cũng đã đề cập đến vấn đề minh bạch của quỹ này bên cạnh việc tham gia giám sát của người đóng quỹ và nhiều biện pháp nữa. Một khi có quỹ, tôi tin nó sẽ được sử dụng đúng mục đích.
. Xin cảm ơn ông.
Sẽ công khai quỹ cho người dân giám sát
Việc chi tiêu tài chính của quỹ sẽ được công khai cho công chúng biết và được kiểm toán độc lập hằng năm. Ngoài ra, Hội đồng quản lý quỹ sẽ gồm đại diện: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đại diện người sử dụng đường và có thể có đại diện chính quyền địa phương. Ngoài ra để giúp Hội đồng quản lý quỹ còn có ban thư ký hoặc ban điều hành để tổng hợp kế hoạch bảo trì của các cơ quan quản lý đường bộ, xây dựng các quy định về tài chính mà các cơ quan nhận kinh phí phải tuân thủ, phân bổ kinh phí cho các cơ quan quản lý đường bộ hằng ngày.
(Theo dự thảo đề án Quỹ bảo trì đường bộ)
Xóa bỏ ba trạm phí trên quốc lộ
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc xóa bỏ ba trạm thu phí vì đặt sai quy định và số thu quá thấp.
Cụ thể, ba trạm bị xóa sổ gồm: trạm Việt Trì (quốc lộ 2), trạm Cầu Hồ (quốc lộ 38) và Trạm thu phí Km 58 (quốc lộ 18). Lý do là vì trạm Việt Trì (quốc lộ 2) quá gần (chỉ cách 28 km) với trạm đường tránh Vĩnh Yên, còn Trạm thu phí Km 58 (quốc lộ 18) chỉ cách trạm Phả Lại 34 km, trong khi quy định là cách nhau tối thiểu 70 km. Trạm Cầu Hồ bị xóa do số thu quá thấp.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về tạm dừng thu phí bốn trạm phí khác là trạm Yên Thành (quốc lộ 7), trạm Hồng Lĩnh (quốc lộ 8), trạm Sóc Sơn trên quốc lộ 3, Trạm thu phí số 3 trên quốc lộ 14.
|