Đề xuất không thu phí lưu thông qua xăng dầu
25/01/2011 10:35:00 SATin trong nước

Các loại xe ôtô sẽ đóng theo số kilomet xe chạy; môtô, xe máy sẽ đóng 80.000-150.000 đồng/năm.

Với lý do giá xăng dầu hiện đã phải “cõng” quá nhiều loại thuế, phí; có nhiều loại hình sử dụng xăng dầu nhưng không tham gia giao thông đường bộ nên nếu thu phí thì không đảm bảo sự công bằng... trong dự thảo lần thứ sáu về đề án Quỹ bảo trì đường bộ mới nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chính thức kiến nghị: Không thu phí lưu thông qua xăng dầu.

Đóng phí theo kilomet xe chạy

Đề xuất của Tổng cục Đường bộ là thu phí trực tiếp theo kilomet xe chạy đối với ôtô các loại. Trước mắt, việc thu phí thực hiện theo tháng, quý hoặc kỳ đăng kiểm; kiểm soát thông qua công tác kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Dự thảo lần này chưa thấy nói tới mức phí, trong khi mức thu được đề xuất trong các dự thảo trước là 100-800 đồng/km, trung bình mỗi xe phải đóng từ 1,2 triệu đến 2,5 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu vẫn áp dụng mức thu của dự thảo trước thì với số lượng xe ôtô hiện có khoảng 1,2 triệu chiếc, dự kiến số phí sử dụng đường bộ thu được sẽ đạt khoảng 4.535 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu, số tiền thu được từ ôtô cho Quỹ bảo trì đường bộ khoảng 4.467 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cách thu phí ôtô theo kilomet xe chạy đảm bảo công bằng, hợp lý. Ảnh: HTD

Riêng với môtô, xe máy, dự thảo kiến nghị thu 80.000 đồng/xe máy/năm; 100.000 đồng đối với môtô loại một, 120.000 đồng đối với môtô loại hai, 150.000 đồng đối với môtô loại ba. Hình thức thu loại phí này là: Chủ các phương tiện môtô, xe máy sẽ phải trả phí sử dụng đường bộ theo năm cùng với năm mua bảo hiểm phương tiện. Theo tính toán của Tổng cục Đường bộ, phí thu được từ loại phương tiện này đạt khoảng 3.243 tỉ đồng/năm. Số tiền còn lại sau khi trích để lại cho đơn vị tổ chức thu sẽ được chuyển vào quỹ bảo trì đường bộ địa phương. “Khi có quy định về kiểm định khí thải đối với môtô, xe máy; việc thu phí sẽ được thực hiện cả ở các trạm kiểm định an toàn kỹ thuật xe và bảo vệ môi trường” - Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Không tác động đến giá cả

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng cách thu trên bảo đảm sẽ thu đúng đối tượng sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng chịu phí. Đồng thời, các ngành, lĩnh vực khác ít bị ảnh hưởng, ít tác động trực tiếp đến mặt bằng giá cả thị trường. Phương án này hiện đang được một số nước trên thế giới áp dụng, có tính khả thi cao và dễ kiểm soát.

Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ cũng thừa nhận thu theo phương thức trên thì chi phí cho việc tổ chức bộ máy thu sẽ mất khoảng 148 tỉ đồng/năm. Cùng với đó sẽ rất khó khăn trong việc thu phí của môtô, xe máy đang lưu hành. “Đây chính là một vấn đề lớn và để thu được cần phải có sự phối hợp của nhiều cấp, ngành, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông. Trong quá trình tham gia giao thông, khi lực lượng chức năng kiểm tra, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải xuất trình thẻ phí. Nếu phát hiện chưa nộp phí sử dụng đường bộ thì phải chịu phạt và phải đóng phí” - một cán bộ ban soạn thảo nói.

Xóa bỏ trạm thu phí từ năm 2012

Theo Tổng cục Đường bộ, nếu đề án trên được phê duyệt và chính thức được thực hiện thì sẽ xóa bỏ hệ thống trạm thu phí đường bộ trên các tuyến đường. Trước mắt, từ năm 2011 đến 2012, Tổng cục sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng lộ trình xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước, các trạm thu trả nợ. Tiếp đó, đến hết năm 2015 sẽ xóa bỏ các trạm thu phí đã bán quyền thu phí.

Riêng các trạm thu phí theo hình thức BOT, vẫn cho tiếp tục thu để hoàn vốn đầu tư (và bảo trì) công trình đường bộ cho nhà đầu tư, trong đó chủ yếu là hoàn vốn đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp.

Trước đó, trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc số trạm thu phí BOT hiện đang “mọc” ra rất nhiều, nếu không có biện pháp hạn chế thì người dân vẫn phải chịu cảnh phí chồng phí. Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: Nếu lập Quỹ bảo trì đường bộ phải kết hợp đồng bộ xử lý các vấn đề về các trạm thu phí BOT từng trường hợp cụ thể, không để người dân chịu gánh nặng phí quá nhiều.

Đồng thời, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng khẳng định khi thực hiện đề án Quỹ bảo trì đường bộ và thu phí lưu hành phương tiện, chính quyền sẽ phải cam kết rõ ràng với người dân về việc bảo đảm chất lượng đường sá.

Tháng 4-2010: Bộ GTVT công bố dự thảo nghị định quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, bộ này kiến nghị lựa chọn hai hình thức thu phí là thu qua xăng (chủ yếu là xe máy và ôtô dưới chín chỗ) với mức phí 1.000 đồng/lít; còn với xe chạy bằng dầu diesel thì phương tiện sẽ đóng theo số kilomet lăn bánh, mức phí là 100-800 đồng/km.

 Tháng 8-2010: Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ và đề án Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, Bộ kiến nghị thu qua giá xăng thông thường và thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng diesel theo kilomet xe chạy trên đường. Tuy nhiên, phương án này bị Bộ Tài chính phản bác nên Bộ GTVT phải giao các đơn vị nghiên cứu xây dựng lại đề án.

Tháng 1-2011: Tổng cục Đường bộ trình Bộ GTVT dự thảo lần thứ sáu về đề án Quỹ bảo trì đường bộ.  

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent