Đó là một đề xuất trong dự thảo dự trữ nhà nước tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đang được Bộ Tài chính xây dựng.
Việc mua xăng dầu dự trữ, theo Bộ Tài chính, là nhằm nâng cao năng lực đảm bảo sự chủ động của nhà nước tham gia bình ổn thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, xăng, dầu khi có đột biến về giá cả, về nguồn cung, gây mất cân đối cung, cầu.
|
Dữ trữ can thiệp thị trường hiện trông chờ chủ yếu vào DN. (Ảnh: Petrolimex) |
Với nguồn lực này, sẽ có thể cung ứng nguồn lực tham gia “chống sốc” cho thị trường. Cụ thể, khi thị trường xăng dầu có biến động lớn, nguồn cung giảm hơn 30% hoặc giá bán lẻ tăng trên 30% trong thời gian tối thiểu mười ngày liên tục so với giá trước khi biến động, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương quyết định xuất ngay 1.000 tấn xăng, dầu từ nguồn dự trữ, bán can thiệp thị trường “chống sốc”.
Một phương án khác là Bộ Tài chính ủy quyền Tổng cục dự trữ Nhà nước cùng với dự trữ nhà nước tại địa phương được xuất tối đa 500 m3, tấn xăng, dầu từ nguồn dự trữ nhà nước, bán ra can thiệp thị trường.
Trong khi đó, nếu thị trường xăng dầu có biến động mạnh, làm giá bán lẻ trên thị trường tăng trên 20% so với giá thị trường trước khi có biến động quá thời gian 15 ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo và trình Thủ tướng quyết định công bố áp dụng biện pháp bình ổn thị trường bằng cách huy động các nguồn lực dự trữ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; xuất xăng dầu dự trữ nhà nước bình ổn thị trường.