Việt Nam cần tính toán về hiệu quả của các dự án lọc dầu
21/10/2013 8:03:00 SATin trong nước

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu với quy mô lên đến vài chục tỷ USD đang chuẩn bị được khởi công. Dự báo với sản lượng đó, cung sẽ vượt xa cầu. Vì vậy, cần phải tính toán kỹ càng tới hiệu quả để đảm bảo lợi ích chung của quốc gia.

Việt Nam cần tính toán về hiệu quả của các dự án lọc dầu

 

Nhiều dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu với quy mô lên đến vài chục tỷ USD đang chuẩn bị được khởi công. Nguồn: internet

“Mức tiêu thụ dầu của Việt Nam chỉ bằng nửa Thái Lan”

Việt Nam mới có Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/năm đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu xăng dầu cả nước. Thời gian tới nhà máy này sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/ năm.

Tiếp theo là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn chuẩn bị khởi công với công suất 10 triệu tấn/năm sẽ đi vào hoạt động sau 5 năm xây dựng, cộng với dự án của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam "thai nghén" đã lâu tại Vân Phong (Khánh Hòa) với công suất 10 triệu tấn/ năm. Tiếp theo là Long Sơn ( Bà Rịa Vũng Tàu) công suất 10 triệu tấn/ năm.

Nếu thêm dự án 30 triệu tấn/năm tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) thì sản lượng xăng dầu của Việt Nam lên đến 70 triệu tấn/năm, khiến cho lọc dầu Việt Nam dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Việt Nam lúc đó đứng vào hàng ngũ “cường quốc” lọc dầu và xuất khẩu sản phẩm xăng dầu.

Chiến lược Dầu khí Việt Nam, dự báo nhu cầu các sản phẩm lọc dầu trong nước, giai đoạn 2011-2015 dao động trong khoảng từ 15-20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu dự báo đến năm 2025 chỉ là 27 triệu tấn/năm. Tổng công suất như trên đã cao gấp hơn 2 lần nhu cầu. Nếu không hướng tới xuất khẩu thì khó có hiệu quả.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ mới đây, theo ông Trần Ngọc Toản, nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, giả thiết đến năm 2015, kinh tế Việt Nam phát triển bằng với Trung Quốc năm 2005 và dân số 100 triệu người thì nhu cầu của nước ta lúc đó sẽ là 21 triệu tấn/năm, còn nếu bằng với Thái Lan (2005) thì nhu cầu sẽ là 65 triệu tấn/năm. Dự báo trong chiến lược 27 triệu tấn/năm cho năm 2025, tức là bằng khoảng hơn một nửa mức tiêu thụ của Thái Lan năm 2005, là quá thấp.

Hơn nữa, với trữ lượng dầu được công bố đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có thể xếp vào nhóm nước nghèo về tài nguyên dầu mỏ, thậm chí đến sau năm 2020 còn có thể xếp vào loại rất nghèo về tài nguyên dầu mỏ. Nhóm nước nghèo này thường chọn chiến lược phát triển hạ nguồn, dùng nguồn lợi từ lọc hóa dầu và dịch vụ phân phối các sản phẩm lọc hóa dầu để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng.

Phát triển lọc hóa dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới mục tiêu biến nước ta thành "trung tâm cung ứng và dịch vụ xăng dầu cho thị trường khu vực (Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc...) là điều cần hướng tới bởi Việt Nam rất có lợi thế về vị trí địa lý. Thái Lan, một nước rất ít tài nguyên dầu mỏ đã xây dựng chiến lược dầu khí của mình theo hướng này. Bởi vậy công suất bao nhiêu không thành vấn đề. 

Cần đảm bảo lợi ích chung của quốc gia

Tuy nhiên, lực cản lớn nhất khi xây dựng, triển khai các dự án lọc dầu vẫn là việc huy động vốn. Bởi, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hiện có nhiều nhà máy lọc dầu và đang dư thừa công suất. Nếu các dự án không tính toán cẩn thận về hiệu quả, thì rủi ro sẽ khó tránh khỏi, nhất là với các dự án sinh sau đẻ muộn, sẽ rất khó cạnh tranh với những nhà máy đang hoạt động.

Đầu năm 2013, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT)  quyết định đầu tư Nhà máy Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định), Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) đã trình lên Bộ Công Thương phản đối việc đưa Nhà máy này vào Quy hoạch phát triển dầu khí, dù nhà đầu tư Thái Lan đã đưa định hướng một phần sản phẩm của nhà máy Nhơn Hội sẽ xuất khẩu. PVN cho biết theo quy hoạch hiện hữu, nếu thêm nhà máy Nhơn Hội sẽ tạo nguy cơ mất cân đối cung - cầu, thừa nguồn cung.

Song theo nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề cốt lõi ở đây không phải có quá nhiều dự án lọc dầu, mà là khi trước khi triển khai, xây dựng thì nhà đầu tư phải đảm bảo chuyên sâu về dầu khí, đặc biệt là khả năng tài chính và nguồn cung dầu thô để chế biến cần xem xét kỹ, bởi nguồn dầu Trung Đông cũng không thể khẳng định chắc chắn trong dài hạn.

Theo TS. Nguyễn Đình Ân trả lời phóng viên ngày 21/4/2013, việc PVN đề nghị không ủng hộ dự án Nhơn Hội, nếu là vì nhu cầu trong nước đã đủ, lo giảm hiệu quả đầu tư Dung Quất, Nghi Sơn thì không nên. Bởi các nước vẫn cho đầu tư chế biến dầu rồi xuất khẩu mà không có vấn đề gì, vả lại các doanh nghiệp cũng cần cạnh tranh với nhau.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia là thực sự cần thiết để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, và doanh nghiệp trong nước cũng phải chấp nhận. Đặc biệt, trước mỗi dự án, Việt Nam cần đánh giá một cách tổng thể, cả tác động tích cực và tiêu cực. Cụ thể là, cần xem xét năng lực của nhà đầu tư, tính thực chất của dự án, để tránh quy hoạch “treo”, cuối cùng là để hướng tới lợi ích chung cho quốc gia.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent