Theo quy định, Nghị định 97/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, ban hành ngày 27/8/2013 sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10 này.
Tuy nhiên, Nghị định mới có một số điểm bất cập, chồng chéo với quy phạm pháp luật được ban hành trước đó về lĩnh vực đo lường và mức xử phạt, đặc biệt là đối với Nghị định 80/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Từ ngày 15/9 vừa qua, điều 10, Nghị định 80/2013 (theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), quy định cụ thể về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong đó có xăng dầu) đã chính thức được áp dụng.
Theo đó, mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng, cao nhất tới 100 triệu đồng, đối với các hành vi: “Sử dụng chứng chỉ kiểm định giả mạo; làm thay đổi cấu trúc kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo; tác động, điều chỉnh, sửa chữa, lắp thêm, rút bớt, thay thế cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép”.
Cũng trong lĩnh vực này, tại Điều 22 của Nghị định 97 (theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương) sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10 này, quy định hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu cũng nêu rõ những hành vi vi phạm tương tự.
Cụ thể: Hành vi làm thay đổi cấu trúc kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo; tác động, điều chỉnh, sửa chữa, lắp thêm, rút bớt, thay thế cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép. Với những hành vi này, mức phạt hành chính thấp nhất 5 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng.
Hoặc tại khoản 7, Điều 20 của Nghị định 80 quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (trong đó có xăng dầu), mức phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm, như hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trong khi đó, Điều 23 của Nghị định 97 quy định xử phạt hành đối với các hành vi vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, như: “pha trộn chất phụ gia hoặc các chất khác vào xăng dầu làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc chất lượng xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mua bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng…”, mức phạt từ 1 lần đến 2,5 lần giá trị hàng hóa.
Ngoài ra, một số hành vi quy định một số điểm của Điều 15; Điều 36; Điều 43 của Nghị định 97 cũng trùng lặp về hành vi quy định trong nghị định xử phạt chuyên ngành tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.
Như vậy, cùng một lĩnh vực đo lường, chất lượng hàng hóa, Nghị định 97/2013 ban hành ngày 27/8/2013, thì các quy định về hành vi vi phạm và mức xử phạt hành chính đã có sự chồng chéo, thiếu thống nhất so với Nghị định 80/2013 ban hành ngày 19/7/2013 (trùng về hành vi nhưng Nghị định 97 có mức phạt thấp hơn).
Mặc dù, Nghị định 97 chưa có hiệu lực thi hành, nhưng một số quy định cho thấy thiếu tính đồng bộ với văn bản quy phạm được ban hành trước đó, nhất là đối với Nghị định 80/2013 có hiệu lực từ tháng 9 vừa qua.
Vì vậy, để đảm bảo đảm tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật, cần chỉnh sửa Điều 22 quy định hành vi vi phạm quy định về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu và Điều 23 quy định về hành vi vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường của Nghị định Nghị định 97/2013./.